VASISTHASANA - TƯ THẾ TẤM VÁN NGHIÊNG
Bạn có biết? Vasistha là tên của một vị thánh trong đạo Hindu. Tấm Ván Nghiêng là một tư thế có cấu trúc nhìn cực kỳ đơn giản nhưng lại không hề dễ. Khi này, điểm tiếp xúc với mặt đất của chúng ta rất nhỏ chỉ trong một bàn tay và cạnh của một bàn chân. Chúng ta phải giữ cho cơ thể thẳng và cứng đơ như tấm ván đồng thời giữ thăng bằng trên hai điểm tựa rất nhỏ này. Chính vì thế tôi cảm thấy đây là một tư thế tràn đầy sức mạnh ẩn chứa trong một hình tư thế đơn giản. Tôi rất thích tư thế Vasisthasana.
Từ đây, còn rất nhiều biến thể khó hơn của tư thế Tấm Ván Nghiêng ví dụ như giơ chân lên, giơ chân ra trước, v.v.. Nhưng chúng ta sẽ làm cái dễ trước rồi dần dần luyện cho cơ thể đủ sức làm các biến thể khó đó. Khi chưa xây dựng được đủ sức mạnh cơ thể hay kỹ năng thăng bằng để thực hiện tư thế Tấm Ván Nghiêng như hình, chúng ta có lựa chọn đầu tiên là hạ đầu gối.
Tư thế có thêm một cột trụ chống đỡ là chân, sẽ trở nên dễ dàng hơn. Bạn có thời gian và sức lực để xem vị trí cánh tay, cổ tay, bàn tay đang để đâu, để sao cho vững. Khi trong tư thế Tấm Ván Nghiêng với đầu gối chạm sàn, vẫn cố gắng đừng tì mọi lực vào đầu gối bạn nhé. Luyện cơ thể dồn lực vào bàn chân của chân thẳng và vào cánh tay đang chống để sau đó chúng ta có thể không cần tì đầu gối xuống sàn hỗ trợ tư thế nữa. Cách này cũng rất tốt với những người cảm thấy tay mình yếu, hoặc lo ngại về khớp cổ tay có thể phải chịu lực quá nhiều trong tư thế Tấm Ván Nghiêng hoàn chỉnh.
Nếu cổ tay bạn cảm thấy không hề ổn tí nào và nói KHÔNG với việc chống xuống sàn, hãy biến tư thế thành trụ trên cẳng tay! Bạn có thể tì tay lên block để bàn tay và cổ tay được tự do không cần chống vào đâu, cũng như khuỷu tay không bị tì vào mặt sàn cứng. Trong tư thế này, toàn thân đang đỡ trọng lượng cơ thể bạn kháng lại trọng lực Trái Đất (nếu không kháng lại thì bạn sẽ nằm bịch xuống đất). Bạn hoàn toàn có thể chọn không giơ tay mà làm bất kỳ cái gì bạn thích với tay phía trên. Bạn có thể để tay chống hông chẳng hạn. Đôi khi việc giơ tay lên khiến bạn mất tập trung hoặc khó giữ thăng bằng thì chống tay thu nhỏ lại hình dáng của bạn trong không gian một chút khiến thăng bằng dễ hơn.
VISVAMITRASANA - TƯ THẾ CHIẾN BINH BAY
Một tư thế hai người làm. Tôi không làm tư thế này ¨đẹp mắt¨ lắm nên đã nhờ một người bạn thực hiện tư thế. Thật ra thì đối với tôi, làm được tư thế đã là một sự to lớn lắm rồi, vì đây là một tư thế cực kỳ trúc trắc. Có thể coi nó là một tư thế nâng cao của Tấm Ván Nghiêng, vì ở đây chúng ta trụ bằng một tay và chân giống như Tấm Ván Nghiêng. Vừa có vặn xoắn và dãn lườn sâu, dãn cơ gân kheo sâu, mở vai phía trước sâu, và tất cả trên nền tảng của Tấm Ván Nghiêng. Rất dễ mất thăng bằng trong tư thế này. Tôi coi đây là một trong các tư thế khó trong Yoga vì nếu bạn chưa làm ổn lắm một trong các điều trên thì bạn sẽ không làm được tư thế. Và chính vì thế, tư thế này cần được luyện qua nhiều các tư thế khác trong Yoga và là một tư thế peak pose rất hay cho một lớp Vinyasa Yoga.
Visvamitra cũng là tên một vị Thánh trong thần thoại Hindu.
Bạn có thể biến tư thế Visvamitra thành một biến thể nâng cao hơn của Tấm Ván Nghiêng. Thay vì vác chân qua vai, bạn giơ chân đó ra trước mặt và tay cầm chân. Khi này tư thế trở lại tương đối giống hình dáng của Tay Cầm Chân Mở Rộng phiên bản Vặn Xoắn. Như thế này cũng đã là một tư thế rắc rối rồi. Trong trường hợp tay không cầm tới chân, bạn có thể co gối, cầm đầu gối hoặc nối dây tay vào chân giống như tôi đã giới thiệu trong tư thế Tay Cầm Chân vặn xoắn. Khi luyện cho cơ thể giữ được thăng bằng ở đây, thì khả năng cao là bạn cũng giữ được thăng bằng ở tư thế Visvamitra.
Đơn giản hóa nhiều hơn nữa mà vẫn tiến bộ dần tới tư thế bằng một số cách:
Quỳ gối chân sau xuống đất thay vì chống bàn chân. Một bàn chân chông chênh rất khó để giữ thăng bằng nhưng khi bạn trụ bằng cả cẳng chân thì bạn sẽ đủ sự vững chắc để kịp xử lý các phần còn lại của tư thế trước khi ngã sấp ngã ngửa.
Chống tay trên block: tạo không gian cho chân khi chân vác lên vai, đồng thời có thể dùng block để giảm bớt áp lực lên cổ tay bằng các cách tôi đã giới thiệu.
Co đầu gối của chân đang vác trên vai: không cần thiết phải duỗi thẳng đầu gối, mà đôi khi có muốn cũng không duỗi thẳng ra được, bạn có thể giữ đầu gối gập ít hay nhiều và duỗi dần ra khi cơ thể đã quen với tư thế.
Tay cầm dây nối vào chân: Hỗ trợ rất tốt khi cơ bên lườn, cơ ở vai và cơ gân kheo ở chân chưa đủ dãn để bạn có thể tay cầm chân qua đầu. Có thể bắt đầu dây khá dài và điều chỉnh dần, thu hẹp dần khoảng cách tay và chân.
VẬY TẠI SAO TÔI LẠI ĐỂ HAI TƯ THẾ NÀY VÀO CÙNG 1 BÀI VIẾT?
Nhờ một câu chuyện Yoga mà tôi đọc được đã khiến tôi có một cái nhìn thú vị về hai tư thế này. Câu chuyện không nhớ đọc ở đâu, nguồn không kiểm chứng, xin mời mọi người thưởng thức coi như truyện fantasy do ai đó sáng tác nhé.
Vasistha là một nhà hiền triết, một vị thánh (sage) trong thần thoại Hindu. Ông ta cũng giống như tư thế Vasisthasana - Tấm Ván Nghiêng, là một con người rất đơn giản, do hiểu biết và tu tập nên được ¨phong thánh¨ (đại khái vậy, tôi không rõ trong văn hóa của họ thì gọi là gì)
Trong Yoga thì bạn đã thấy có rất nhiều tư thế được đặt tên theo các thánh và các nhà hiền triết, hay các nhân vật trong sử thi Ấn Độ.
Còn Visvamitra là tên của nhà vua thời bấy giờ. Đây là một ông vua và cũng là một chiến binh dũng mãnh, đoàn quân của ông ta đánh đâu thắng đó. Một ông vua cực kỳ kiêu hãnh và háo thắng, chưa bao giờ nếm mùi thất bại. Một lần ông ta đi đánh trận chiến thắng trở về liền ghé qua làng thăm Vasistha. Tưởng rằng Vasistha là một đạo sĩ nghèo sẽ không có gì tiếp đãi, nhưng không ngờ khi tới nơi thì thấy thức ăn đề huề đủ để chiêu đãi cả đoàn quân.
Ông vua Visvamitra ngạc nhiên quá liền hỏi: tôi tưởng ông sống đời khắc khổ ẩn dật, ông lấy đâu ra những cao lương mĩ vị này để đãi nhà vua?
Vasistha liền nói đó là do ông ta có một con bò thần, nó đã đẻ ra tất cả những thức ăn này, và bất kỳ điều gì ông ta muốn.
Visvamitra yêu cầu nhà hiền triết giao nộp con bò, và khi không được, ông ta liền ra lệnh cho cả đoàn quân xông vào tìm và chiếm lấy con bò. Nhưng con bò đã kịp đẻ ra một đoàn quân khủng khiếp đánh bại cả đoàn quân của Visvamitra.
Lần đầu tiên trong đời nếm mùi thất bại, và lại do một con bò của một nhà hiền triết nghèo gây ra, Visvamitra đầy uất ức trở về. Quá ức chế, ông ta quyết tâm sẽ tu tập để trở thành nhà hiền triết giống như Vasistha cho bõ ghét.
Thế nhưng do tính cách quá phức tạp, kiêu hùng, lại hiếu thắng và hay nóng nảy, mà ông ta học mãi mà cũng không thể đắc đạo. Ông ta cứ tiếp tục hết ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, và cuối cùng cũng được coi là một nhà hiền triết và tên của ông được đặt cho tư thế Yoga: Visvamitrasana - tư thế Chiến Binh Bay. Cũng giống như Visvamitra, nhà vua và chiến binh oai hùng, tư thế này rất phức tạp, rất nhiều sức mạnh và rắc rối.
Và một điều thú vị nhất của câu chuyện, đó là Visvamitra sẽ không thể trở thành một nhà hiền triết nếu không gặp Vasistha. Cũng giống như bạn sẽ luôn phải đi qua tư thế Tấm Ván Nghiêng mới đến được tư thế Chiến Binh Bay vậy.
------------------------------------------------------
Cảm ơn bạn đọc đã đọc hết bài!
Đọc tiếp các tư thế Core - Cơ Trọng Tâm trong Yoga:
Xem toàn bộ dự án PROP UP: Cách dùng dụng cụ hỗ trợ để tập 10 nhóm tư thế Yoga với 10 CHƯƠNG:
Prop Up! là một dự án Hà My Yoga (Sweden) thực hiện nhằm giúp bạn làm được hơn 80 tư thế Yoga một cách dễ dàng cùng với các dụng cụ đơn giản: block, dây, chăn, gối, tường. Giúp bạn có thể thật sự tận hưởng việc thực hành Yoga!
Bạn thấy bài viết hữu ích? Hãy share về FB của mình nhé!
Comentarios