Tư thế Anh Hùng trong Yoga tôi xin mô tả vắn tắt như sau: đó là một tư thế quỳ gập đầu gối rất sâu và đùi xoay vào trong để có thể đặt cẳng chân hướng ra ngoài và chạm gót bàn chân ra ngoài hông.
Không phải ai cũng làm được tư thế này. Ở đây có rất nhiều áp lực lên đầu gối, và nhiều cơ thể học viên thì gặp khó khăn trong việc ngồi tư thế Anh Hùng một cách vững chắc. Ví dụ do một số nguyên nhân như:
- Cố mấy họ cũng không thể chạm mông xuống đất được.
- Hoặc có người thì nếu chạm được mông xuống đất thì hai đầu gối bị tách ra xa
- Hay có người cố ngồi thì lại bị gù lưng dưới, hoặc bị ngồi trên xương cụt thay vì xương ngồi.
Tôi thì tôi vẫn nghĩ rằng đây là một tư thế Yoga không dành cho tất cả mọi người. Do khớp gối đang gập sâu gần như nhất trong giới hạn chuyển động của nó, Virasana có thể không dành cho những người có vấn đề về khớp gối hoặc các dây chằng đầu gối. Bạn hãy thử để ý cơ thể mình, và nếu thấy mình ngồi trong tư thế Anh Hùng sao thấy khổ quá chẳng thấy yêng hùng tí nào, thì hãy thử mấy cách sau đây sẽ dễ hơn rất nhiều nhé!
Phương án hay số 1 dành cho tư thế Anh Hùng mà tôi thường xuyên dùng đó là ngồi trên block. Lại là những cục block thần kỳ. Nhiều người chỉ cần 1 block thôi là họ đã có thể ngồi vững chãi, nhưng tôi thường dùng hai block. Bạn sẽ thấy giảm hẳn áp lực trên đầu gối. Lại là tư thế hông ở vị trí cao hơn đầu gối nên đỡ mệt mỏi và căng thẳng lên phần gập hông ở phía trước hông nên có thể ngồi thẳng lưng. Ngồi block như thế này cũng tạo nhiều không gian hơn cho phần lưng dưới để từ đó cột sống vươn thẳng lên. Tùy vào độ rộng hông của mỗi người chúng ta có thể chọn cách 1 chồng block như hình, hoặc 2 chồng block cạnh nhau mỗi chồng 1 - 2 cái block như trong ví dụ tư thế Sukhasana - Ngồi đơn giản.
Một phương án để điều chỉnh tư thế đó là thay vì đặt gót chân ra ngoài hông theo tư thế Anh Hùng, chúng ta sẽ ngồi lên gót chân giống như tư thế quỳ thông thường. Bởi vì hành động xoay đùi vào trong của tư thế Anh Hùng thì khó, nhưng quỳ thì quen thuộc hơn. Chúng ta ai cũng đã từng quỳ ít nhất một lần trong đời.
Nhưng quỳ cũng không hẳn là tư thế dễ đâu bạn nhé. Hãy nhìn hình dáng vị trí của phần cổ chân: lúc này cổ chân đang duỗi ra rất nhiều và thử tưởng tượng một người cổ chân cứng, chỉ duỗi được cổ chân ít thôi, thì họ sẽ rất nhấp nhổm trong tư thế này. Có thể đó là những người cơ địa họ cứng, hoặc do họ chơi những môn thể thao mạnh khiến cổ chân rất khỏe và trở nên kém linh hoạt chẳng hạn. Vì thế tôi sẽ cuộn một cái chăn đặt dưới để đệm đỡ lấy khoảng không giữa cổ chân và mặt sàn. Thực tế là mặt sàn là góc 180 độ nhưng cổ chân người bình thường thì nhiều người không duỗi được tới 180 độ, nên bạn có thể thử lấy một cái khăn hoặc chăn và đặt xuống dưới cổ chân, sẽ thấy mình được nâng đỡ nhiều hơn đến thế nào.
Tư thế quỳ kiểu này tôi hay gọi là tư thế quỳ Nhật Bản vì người Nhật họ hay quỳ như vậy khi uống trà đạo. Còn một tư thế quỳ nữa cũng có thể thực hiện thay tư thế Anh Hùng, tôi hay gọi là tư thế quỳ Thái Lan vì khi massage Thái người ta hay quỳ và đồng thời chống các ngón chân xuống sàn như vậy.
Đối với người có cổ chân không duỗi được nhiều. Hoặc người quỳ duỗi cổ chân được nhưng xương ở cổ chân bị tì xuống sàn gây đau, khó ngồi lâu hay khó tập trung, thì họ có thể ngồi theo cách này. Dùng một cái gối to để đệm dưới cổ chân sẽ giúp êm ái hơn.
Một cách nữa cũng rất hay dành cho người cứng ở bắp chân và gan bàn chân, họ không thể hạ đầu gối xuống sàn khi quỳ như trong hình, đó là thay vì đặt cái gối ôm, thì đặt block đỡ dưới đầu gối. Dần dần sau khi gan bàn chân và ngón chân đã dãn ra dần, thì bỏ dần từng block ra và hạ thấp đầu gối từ từ cho tới ngày đầu gối chạm sàn.
Đối với người Việt Nam chúng ta, cơ thể khá linh hoạt và thường ngồi bệt, ngồi quỳ trong sinh hoạt hàng ngày thì tư thế này không hẳn là khó. Nhưng kể cả không khó thì bạn quỳ tại đây một lúc cũng sẽ thấy rất dãn ở gan bàn chân và ngón chân. Thật ra việc dãn cơ phần gan bàn chân và ngón chân cũng rất cần thiết. Chẳng hạn như những người hay phải đi giày cao gót, phần gan bàn chân luôn bị ngắn lại và mu bàn chân + mặt trước cổ chân luôn bị dài ra thì đây là tư thế ngược lại, giúp bù đắp bằng cách làm gan bàn chân dài ra và mu bàn chân + cổ chân ngắn lại.
------------------------------------------------------
Cảm ơn bạn vì đã đọc bài. Mời bạn đọc thêm các tư thế Ngồi tĩnh tâm, thiền định trong Yoga:
Tư thế Sukhasana - Ngồi đơn giản
Tư thế Anh Hùng - Virasana
Tư thế Hoa Sen - Padmasana
Xem toàn bộ dự án PROP UP: Cách dùng dụng cụ hỗ trợ để tập 10 nhóm tư thế Yoga với 10 CHƯƠNG:
Prop Up! là một dự án Hà My Yoga (Sweden) thực hiện nhằm giúp bạn làm được hơn 80 tư thế Yoga một cách dễ dàng cùng với các dụng cụ đơn giản: block, dây, chăn, gối, tường. Giúp bạn có thể thật sự tận hưởng việc thực hành Yoga!
Bạn thấy bài viết hữu ích? Hãy share về FB của mình nhé!
Comments