top of page
Ảnh của tác giảHà My Yoga

Yoga Business 110: Tiền là máu


Tất cả những thất bại bầm dập trong quá trình mở lớp yoga và mở studio như tôi đã chia sẻ với các bạn, thì cũng được tôi kể hết cho cô bạn N. Lúc này N đang dạy yoga cho một studio lớn nhất thành phố, với số lớp dạy khoảng 8 lớp mỗi tháng. Cô ấy muốn tự mở lớp yoga riêng để có thể thực hành dạy nhiều hơn, tự chủ hơn, thân thiết với học viên hơn, và chắc chắn là để kiếm tiền thêm từ việc dạy yoga rồi.


Vậy là tôi đã dốc hết kinh nghiệm thất bại của mình ra để cho cô ấy tránh hết mấy cái ổ gà mà tôi đã va phải.


Đầu tiên, cô ấy thuê studio của nhà văn hoá thanh niên mà tôi đã từng thuê theo giờ. Cô ấy rất khéo ăn nói nên thậm chí còn làm tốt hơn tôi đó là được để dụng cụ tập yoga trong tủ để đồ ở đó.


Tiếp theo, cô ấy không bán thẻ buổi mà bán luôn trọn vẹn 1 khoá học 8-10 buổi. Học viên mua trọn khoá học và phải theo trọn vẹn cả khoá học.


Và tính ra thì mỗi buổi cũng có giá cao hơn tôi từng làm.


Tôi chia sẻ tất cả các khoá học yoga của bạn N để các học viên cũ của tôi có thể thấy và đăng ký tham gia nếu muốn.


Tóm lại, cô ấy làm tốt hơn tôi rất nhiều. Chỉ sau vài tuần tự mở lớp yoga, bạn đã báo nghỉ ở studio để tập trung chạy lớp riêng.


Nhưng hôm nay bạn N. gặp tôi và đưa ra một vấn đề.


Đó là để tăng doanh thu, bạn order một số thảm yoga, block, chăn, gối ngồi thiền v.v của một nhãn hiệu nổi tiếng ở Thuỵ Điển để bán lại cho học viên.


Khi bạn order để bán lẻ như vậy thì được chiết khấu 30% so với giá bán lẻ mà hãng đưa ra.


Nghe thì có vẻ bạn sẽ lãi 30%. Nhưng không. Vì như tôi đã giải thích ở bài viết yoga business 101, ở Thuỵ Điển thuế VAT là 25%. Cái giá chiết khấu 30% chưa bao gồm thuế. Khi bạn nhập hàng phải trả thêm thuế 25%. Nhưng khi bán ra theo giá mà hãng khuyến nghị thì doanh thu đó sẽ có 25% là thuế VAT. Tóm lại sau khi cộng trừ thì bạn chỉ còn lời khoảng 10% cho mỗi sản phẩm.


Là một doanh nghiệp cá nhân, bạn có khả năng được hoàn thuế, nhưng đó là câu chuyện của sang năm và cũng không hề chắc chắn.


Còn vấn đề nữa đó là hàng tồn. Cô ấy order linh tinh số lượng ít bán thử nhưng đã bay khoảng 1000 euro rồi. Mới bán được 1 cái thảm cho 1 người học viên. Nhưng lại có chuyện trái khoáy đó là 1 người khác quan tâm muốn mua thảm, nhưng thay vì mua ở lớp luôn thì lại về order trên trang web của hãng vì lần order đầu tiên được giảm 10%. Thật ra cũng không thể trách họ được vì thuận mua vừa bán. Mà bạn tôi cũng không thể giảm 10% vì như vậy chẳng lãi đồng nào.


Cô ấy thấy rất nản vì chỉ muốn tăng doanh số nhưng lại ôm rõ lắm gánh nặng và cảm xúc khó ở vào người. Cô ấy nói: “Toàn những đồ đắt tiền, mua về chỉ mong bán được chứ mình có dùng đâu, thậm chí tớ còn chả dám dùng đến cái chăn yoga 50 euro nữa.”


Ý kiến của tôi là cô ấy nên trả lại toàn bộ số hàng còn lại và lấy lại tiền. Ở EU có luật hoàn trả hàng, ít nhất theo luật là tất cả các giao dịch mua hàng online qua trang web đều phải cho trả lại trong 14 ngày. Đa phần các trang bán hàng cho trả hàng 30 ngày và thậm chí một vài cửa hàng còn cho trả hàng 365 ngày. Tuy nhiên cô ấy phải đọc kỹ luật và chính sách hoàn tiền vì một số hãng có chính sách không cho trả hàng nếu bên mua là doanh nghiệp.


Cô ấy đồng ý vì sốt ruột khi 1000 euro mãi mới kiếm được thì giờ lại biến thành đống hàng tồn kho không biết bao giờ mới đẩy được đi, mà kể cả bán hết cũng chỉ lãi 100 euro. Giờ thì cô ấy đang liên hệ để xem họ có giải quyết trả hàng hoàn tiền hay không.


Tôi đã mắc sai lầm này rất nhiều. Đó là có được chút doanh thu, tiền vào, học viên mua thẻ tập, liền bắt đầu tiêu tiền mua nọ mua kia nghĩ rằng đó là một khoản đầu tư. Nào là mua đồ trang trí studio, mua đèn, mua máy ảnh, v.v. Lúc nào trong đầu tôi cũng nảy ra ý định mua gì đó. Thật ra là không có nhiều tiền chứ có nhiều chắc cũng đi mua tùm lum hết.



Tiền là máu của một doanh nghiệp. Không có tiền là lúc công việc kinh doanh ngừng hoạt động. Chắc hẳn bạn đã nghe câu “tiền mặt là vua” - “cash is king”? Đó là bởi vì khi nhìn vào các con số trên giấy, có doanh thu, có khách mua hàng, thậm chí trên giấy tờ là có lợi nhuận, nhưng sờ đến ví tiền tươi thóc thật thì chả thấy đâu. Đó là do không kiểm soát được những khoản chi nhỏ, khoản “đầu tư” mà thực chất là hàng tồn, các chi phí không rõ ràng như thuế ở ví dụ trên, và thậm chí các chi phí về mặt cảm xúc và tinh thần khi cứ phải đau đầu và thất vọng vì tiền.


Thay vì nhập hàng, cô ấy có thể làm tiếp thị liên kết (affiliate). Có những hãng sẽ cho phép tạo một code giảm giá 10%, ví dụ bạn ở châu Âu muốn mua thảm tập Manduka có thể sử dụng code HAMYYOGA khi checkout để được giảm 10% - và tôi cũng sẽ được họ chia một khoản hoa hồng, tuy rất nhỏ, nhưng không phải nhập hàng và lo xử lý hàng tồn.


Cá nhân tôi đã quyết định không kinh doanh các sản phẩm phải nhập hàng và ôm hàng nữa cũng sau 1 lần ôm hàng và sau đó tôi phải XIN một cô bạn giúp tôi thanh lý ở hội chợ đồ cũ. Tôi không cần một đồng nào cả, chỉ mong cô ấy mang chúng đi cho tôi đỡ chật nhà và đỡ phải nhìn thấy cái sự thất bại của mình =))))


Không biết bạn đã bao giờ nhập hàng về bán nhưng sau đó chỉ muốn tung hê tất cả, vứt đi cũng được, mất tiền cũng đành chấp nhận, chỉ muốn thoát khỏi cái gánh nặng kinh doanh với ôm hàng hay chưa? Tôi thì rất hiểu cái cảm giác đó, và tôi không có các đức tính cẩn thận, chỉn chu, gọn gàng, kiểm đếm, ghi chép tỉ mỉ, v.v để kinh doanh các mặt hàng như vậy, nên tôi quyết định sẽ không kinh doanh các mặt hàng cần ôm - vậy cho nhẹ đầu.


Đó là cá nhân tôi, còn tất nhiên rất nhiều người vẫn kinh doanh bán hàng thành công.


Còn bạn thì sao, tiền của bạn có đang bị chôn ở đâu?


Bạn sẽ KHÔNG kinh doanh mặt hàng / dịch vụ gì?



Và để kết một bài viết toàn những sự chán nản của việc ôm hàng, chôn vốn, tồn kho, thì tôi muốn nói với bạn rằng: Thật ra trong những năm tháng dạy lớp yoga và mở studio, tôi cũng có lấy ra những khoản tiền nhỏ để cho vào một tài khoản đầu tư.


Sau khi đóng cửa studio (và mới đây đóng nốt công ty) thì tôi cảm giác mình chả có gì cả. Nhưng thực tế là tôi vẫn có tài khoản đầu tư đó và nó vẫn lên xuống, nhưng có tăng trưởng :)


Nhớ nhé, tiền là máu, tiền mặt là vua. Hãy kinh doanh, hãy làm vì đam mê, nhưng đừng quên chừa ít máu để cho vào một kênh đầu tư khác. Có thể là tích sản như gửi tiết kiệm ngân hàng, mua vàng, v.v, có thể là mua chứng khoán, mua đất, mua quỹ - cái này bạn sẽ cần phải tự tìm hiểu và ra quyết định.


Và dù kinh doanh hay không thì bạn vẫn cần phải học về tiền. Hãy tham gia khoá học Kết nối với tiền - tôi đã học khoá học này 2 lần và sẽ còn học lại. Bây giờ, quan hệ của tôi với tiền đã tốt lên, và tôi có thể khá tự tin nói về tiền như thế này.


Cảm ơn bạn đã đọc bài viết!

117 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Lớn lên bạn sẽ làm gì?

Bắt đầu từ năm 2024 mình đã viết - journaling nghiêm túc và từ đó nảy ra rất nhiều ý tưởng, nhưng đây không phải là các ý tưởng lộn xộn,...

Comentários


bottom of page